Bộ gồm 2 sản phẩm: Chuông và chiêng.

Giá trị: Đây là một trong những sản phẩm làng nghề truyền thống của thị xã, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Nghề đúc đồng ở Phước Kiều (phường Điện Phương) là một trong số những làng nghề truyền thống nổi tiếng của đất Quảng với hơn 400 năm tuổi. Theo sử sách ghi chép lại, ông Dương Không Lộ, quê xã Đê Kiều, tổng Bình Quân, Châu Thất Truyền, Phủ Tường Khánh, tỉnh Lạng Sơn trên bước đường nam tiến đã đặt chân đến Phủ Điện Bàn mở xưởng đúc đồng và đổi tên làng thành Phước Kiều.  Từ đó, tên tuổi làng đúc đồng Phước Kiều ngày càng vươn xa, từng được ghi lại trong câu ca “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều”.

Sản phẩm của đúc đồng Phước Kiều vào giai đoạn sơ khai chủ yếu phục vụ cho triều đình nhà Nguyễn, cho các sinh hoạt lễ nghi, thờ cúng và phong tục tập quán, như lư hương, đèn thờ, chuông, chiêng, nồi niêu, đỉnh, vạc, súng và cả ấn tín… Ngày nay, sản phẩm đúc đồng Phước Kiều đa dạng và phong phú hơn, trong đó đặc biệt là cồng chiêng đã góp phần làm nên không gian văn hoá cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005.

Để có những sản phẩm chất lượng nhất, người thợ đúc đồng truyền thống trải qua nhiều công đoạn chi tiết: Nhồi đất, làm bìa, giáp khuôn, thét khuôn, trổ điệu, pha chế kim loại, thử tiếng… và cuối cùng là khâu làm nguội. Có lẽ khâu pha chế kim loại là khâu khó nhất, nhưng cũng là khâu quan trọng nhất để thể hiện kỹ năng cũng như bí quyết gia truyền của làng nghề quyết định chủ yếu đến phần âm của các loại chiêng, chuông… Người thợ Phước Kiều với kinh nghiệm cũng như bí quyết riêng đã tạo nên những sản phẩm đạt được trình độ kỹ thuật cao hiếm nơi nào có được.