GIỜI THIỆU

Hoằng Hóa – Điện Bàn có mối tương đồng sâu sắc về lịch sử, văn hóa và con người. Mối lương duyên đó càng trở nên sâu sắc hơn khi đất nước bị chia cắt, và cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, ác liệt.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về kết nghĩa giữa các địa phương hai miền Nam – Bắc, ngày 20/7/1963, tại huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ kết nghĩa Hoằng Hóa – Điện Bàn. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc, khởi đầu cho mối lương duyên son sắt nghĩa tình của Đảng bộ và nhân dân 02 địa phương suốt 60 năm qua, từ trong chiến tranh đến  hòa bình, thống nhất, xây dựng và phát triển hôm nay.

Phong trào kết nghĩa chính là lời tuyên bố đanh thép với đế quốc và tay sai về sức mạnh to lớn của tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của toàn thể dân tộc Việt Nam, “Là cây một cội, là con một nhà”, không kẻ thù, thế lực nào có thể chia rẽ. Tại buổi lễ kết nghĩa, các đồng chí lãnh đạo hai huyện Hoằng Hóa – Điện Bàn đã trao gửi, quyết tâm cùng thi đua, phấn đấu, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Điện Bàn trở thành vùng trọng điểm “tố cộng”, “diệt cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam. Địch dùng mọi thủ đoạn chiến tranh, sử dụng các loại vũ khí, phương tiện hiện đại nhằm hủy diệt sự sống, đàn áp phong trào cách mạng, xây dựng vành đai điện tử hòng biến Điện Bàn thành vành đai trắng, gây ra muôn vàn tội ác, tàn sát đẫm máu đối với Nhân dân.  

Thế nhưng, sự tàn bạo của kẻ thù không khuất phục được lòng yêu nước và ý chí quật cường của Nhân dân. Hàng ngàn, hàng vạn bà con vẫn kiên cường bám trụ “Một tấc không đi, một ly không rời” dù sống dù sống trong “Mưa bom bão đạn” của kẻ thù, các thế hệ thanh niên của quê hương Điện Bàn đã tiếp bước cha anh lên đường cầm súng đánh giặc.

Tại Hoằng Hóa, lúc bấy giờ, rất nhiều phong trào mang tên Điện Bàn đã được phát động và mang lại hiệu quả thiết thực như “Nhớ miền Nam, xây dựng miền Bắc”, “Phụ nữ Điện Bàn đấu tranh chống Mỹ – phụ nữ Hoằng Hóa cấy nhanh, cấy khéo”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Từ các phong trào, nhiều nhà máy, xí nghiệp, những cánh đồng năm tấn, những đồi cây, vườn cây, những công trình thuỷ lợi, công trình văn Hóa xã hội… mang tên Điện Bàn đã xuất hiện như: “Cánh đồng Điện Bàn”, “Vườn cây Điện Bàn”,“Đội cấy Điện Bàn”, “Công trình Điện Bàn”,“Đội thuỷ lợi chống Mỹ”, “Bèo hoa dâu Điện Bàn”... Có thể nói rằng, thời điểm bấy giờ, hình ảnh Điện Bàn đã thấm sâu trong lòng Hoằng Hóa, trở thành hồn của đất, máu của người Hoằng Hóa; quân và dân Hoằng Hóa đã làm tất cả những gì có thể vì Điện Bàn thân yêu.

Hàng ngàn thanh niên Hoằng Hóa đã hăng hái, xung phong lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, cho Điện Bàn đầy máu lửa. Trong đó, có hàng ngàn chiến sĩ của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, Tiểu đoàn 3 – Mặt trận 44 Quảng Đà sát cánh cùng quân dân Điện Bàn chiến đấu, hy sinh, để lại máu xương của mình trên mảnh đất Điện Bàn và lập nhiều chiến công vang dội. Những trận đánh của Tiểu đoàn Lam Sơn như ở Gò Nổi, Cấm Lớn, Gò Mùn, Bình Long, Ngũ Giáp, Trảng Nhật, trận chống càn 21 ngày đêm của Tiếu đoàn 3 ở Điện Hòa… đã lưu danh trong trang sử vàng của Đảng bộ Điện Bàn và được Bác Hồ khen tặng “Đánh giặc giỏi”.

Đáp lại tiếng gọi thiêng liêng từ Điện Bàn, Quảng Nam; quân và dân Hoằng Hóa đã dũng cảm chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách, làm nức lòng quân, dân cả nước, như: Chiến công của các cụ lão dân quân Hoằng Trường anh hùng bắn rơi máy bay “thần sấm”, “con ma” của Mỹ bằng súng bộ binh; 75 dũng sĩ Yên Vực đội mưa bom, bão đạn của kẻ thù băng qua sông tải đạn, góp phần làm nên chiến thắng Nam Ngạn – Hàm Rồng; các trung đội nữ dân quân Hoằng Trường, Hoằng Hải bắn rơi máy bay Mỹ…

Được tiếp thêm sức mạnh từ Hoằng Hóa anh em, cùng với lòng yêu nước, ý chí quật cường, khát vọng độc lập tự do, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đồng bào và chiến sĩ Điện Bàn kiên cường bám trụ nơi tuyến lửa, đánh địch mọi lúc, mọi nơi với nhiều trận đánh táo bạo, mưu trí, dũng cảm, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, tiếp tục làm rạng rỡ truyền thống yêu nước của cha ông, góp phần tô thắm tám chữ vàng Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, để rồi hôm nay giang sơn thu về một mối “Núi liền núi, sông liền sông”, Bắc Nam sum họp, Hoằng Hoá – Điện Bàn là anh em một nhà.

60 năm đã qua, dù trong khói lửa của chiến tranh hay trong bộn bề công việc, trên con đường dựng xây quê hương, đất nước hôm nay, mối tình gắn bó keo sơn Hoằng Hóa – Điện Bàn luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai địa phương dày công giữ gìn, vun đắp, mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá của các thế hệ cán bộ và nhân dân Hoằng Hóa – Điện Bàn.

Kết thúc chiến tranh, trong bối cảnh Điện Bàn với bộn bề những khó khăn, chịu hậu quả hết sức nặng nề: 8/11 nghìn ha đất canh tác bị hoang hoá, đầy rẫy bom mìn; 97/114 thôn bị cày ủi trắng; 03 vạn người từ thành phố trở lại quê hương thì đã có 2 vạn người trong diện cứu đói; hơn 38.000 người chết do chiến tranh và hàng ngàn người bị thương; hàng ngàn trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; làng xóm điêu tàn. Với những kinh nghiệm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng bộ Thanh Hóa đã điều động nhiều cán bộ, đảng viên vào Quảng Nam công tác, trong đó có những người con của Hoằng Hóa được phân công về Điện Bàn để đảm nhiệm các cương vị trên hầu hết các lĩnh vực, chi viện lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi; các trang thiết bị, sách, văn hóa phẩm…, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục lại quê hương.

Nhất là từ sau thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã, sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân, tình hình kinh tế – xã hội của Điện Bàn có những chuyển biến khởi sắc, dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển này là, năm 2005, Điện Bàn đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Hơn 10 năm trở lại đây, Điện Bàn có những bước tiến vượt bậc trên con đường phát triển. Năm 2015 Điện Bàn trở thành thị xã với 07 phường nội thị và năm 2016 về đích thị xã nông thôn mới. Từ năm 2017, Điện Bàn là địa phương tự cân đối về thu chi ngân sách. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc. Phấn khởi hơn nữa khi ngày 13/02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 727/NQ-UBTVQH về thành lập 05 phường thuộc thị xã Điện Bàn (nâng tổng số lên 12 phường) và ngày 31/3/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định phê duyệt quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh Quảng Nam; là sự nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thị xã Điện Bàn. Khu vực ngoại thị với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả quan trọng. Thị xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới và đang nâng cao chất lượng để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển khá toàn diện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư sự nghiệp y tế để phục vụ cho Nhân dân tốt hơn. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công được quan tâm chăm lo; tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, chăm lo phần mộ, nâng cấp các nghĩa trang và nhà bia ghi tên liệt sỹ; thực hiện chu đáo chính sách an sinh xã hội, đời sống mọi mặt của Nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,16%. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn ngày càng vững mạnh. Công tác quản lý của chính quyền các cấp có chuyển biến tích cực; đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức một số cơ quan, đơn vị; tập trung nhân lực, hạ tầng và các điều kiện khác để đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính nhằm phục vụ tốt hơn cho tổ chức và công dân trong giải quyết công việc hành chính.

Có thể nói, trong mỗi thắng lợi của quân dân Điện Bàn trong kháng chiến cũng như những kết quả lớn mà Điện Bàn đạt được hôm nay luôn có sức cổ vũ, động viên, chi viện vô cùng to lớn của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Hoằng Hóa kết nghĩa keo sơn. Không đâu có được tình kết nghĩa sâu đậm đến thế, luôn “kề vai sát cánh” bên nhau và không thể kể hết những ân tình hai địa phương đã dành cho nhau. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn mãi luôn khắc ghi, trân trọng những tình cảm sâu sắc, sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa đó.

Tình cảm kết nghĩa của hai địa phương như dòng sông chung đầu hợp cuối, lắng đọng thiết tha, đã trở thành máu thịt, khắc sâu vào tâm khảm của các thế hệ người dân Hoằng Hóa – Điện Bàn anh em. Tuy cách xa hơn nửa nghìn cây số nhưng tình nghĩa đã vượt khỏi khoảng cách địa lý, ngày càng xích lại gần hơn.

Thi đua cùng Điện Bàn, phát huy truyền thống quê hương, Hoằng Hóa đã và  đang viết tiếp trang sử vẻ vang trong thời kỳ đổi mới. Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoằng Hóa đang ra sức thi đua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một huyện thuần nông, đến nay Hoằng Hóa đã có những bước phát triển nhanh, sánh vai cùng với Điện Bàn. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt 20.318 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 59,2 triệu đồng. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đang hoạt động và thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm năng. Đã và đang xây dựng các khu đô thị, khu dân cư khang trang, hiện đại. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhiều tuyến đường giao thông kết nối được đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng, vừa tạo điểm nhấn về bộ mặt nông thôn mới, vừa tạo động lực để phát triển kinh tế. Năm 2019, Hoằng Hóa được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn mới ở khắp các thôn, làng; điện chiếu sáng đến tận đường làng, ngõ xóm; đường đi, lối lại đều được bê tông hóa, nhựa hóa… Một bức tranh Hoằng Hóa “Sáng – xanh – sạch – đẹp” đã và đang hiện hữu. Các công trình văn hóa, sinh hoạt cộng đồng được tổ chức sôi động, ấm cúng. Nhân dân đồng thuận, phấn khởi; “một miền quê đáng sống” là cảm nhận của những người con xa quê và du khách khi đặt chân về Hoằng Hóa yêu thương.

Khu du lịch biển Hải Tiến ngày càng đổi mới, khang trang, hiện đại, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với huyện Hoằng Hóa. Các làng nghề, giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, trò chơi, trò diễn dân gian được chú trọng khôi phục và duy trì mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương gắn với phát triển du lịch. Các hoat động giáo dục, y tế, thể dục thể thao luôn duy trì tốp đầu trong tỉnh, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn. Quỹ khuyến học ngày càng phát triển, càng bồi đắp dày thêm truyền thống hiếu học của quê hương.

Kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa Hoằng Hóa – Điện Bàn (20/7/1963 – 20/7/2023), hai địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho sự kiện này như: tổ chức đưa các đồng chí nguyện lãnh đạo chủ chốt huyện Hoằng Hóa về thăm Điện Bàn; tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu 60 năm Hoằng Hóa – Điện Bàn – Nghĩa nặng tình sâu”; xây dựng phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình, tổ chức sưu tầm hiện vật, thực hiện ấn phẩm văn hóa giới thiệu, quảng bá về vùng đất và con người, đặc biệt là những hiện vật, hình ảnh liên quan đến những sự kiện kết nghĩa, giao lưu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những thành tựu trong hòa bình xây dựng giữa hai địa phương Hoằng Hóa – Điện Bàn;

Nhân duyên Hoằng Hóa – Điện Bàn như một sự tiền định, là “sự lựa chọn diệu kỳ” của lịch sử, bởi cả hai địa phương đều có những nét tương đồng về địa lý, văn hóa, truyền thống… đều là những quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là đất khoa bảng, vùng quê hiếu học, con người anh dũng, cần cù, hiếu khách, nghĩa tình… Đây chính là tiền đề quan trọng để hai địa phương tiếp tục vun đắp, xây dựng quê hương cùng nhau phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế – xã hội trong tương lai; để mối tình kết nghĩa keo sơn gắn bó giữa Hoằng Hóa – Điện Bàn vẫn luôn bền chặt, thủy chung, trường tồn và ngày càng phát triển lên tầm cao mới.

Giờ đây, tình cảm kết nghĩa Hoằng Hóa – Điện Bàn không chỉ dừng lại ở sự thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau ở cấp lãnh đạo của hai địa phương mà phải làm cho tình cảm ấy thấm sâu vào nhịp sống của mỗi người dân. Điện Bàn đã xây dựng nhiều công trình kết nghĩa như :Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng, dành tuyến đường trục chính trung tâm thị xã đi qua phường Điện Minh, Điện Phương đặt tên đường Hoằng Hóa, xây dựng phòng trưng bày chuyên đề Hoằng Hóa- Điện Bàn… Những công trình, phần việc này trở thành biểu tượng sinh động cho tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa hai địa phương và cũng để Nhân dân Điện Bàn hôm nay hiểu hơn về lịch sử, con người, mảnh đất Hoằng Hóa thân yêu.

Kỷ niệm 60 năm Hoằng Hóa – Điện Bàn kết nghĩa, không chỉ là dịp để tri ân những hy sinh mất mát của quân và dân hai địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; sự đồng hành, giúp đỡ, động viên nhau trong thời bình, trong quá trình xây dựng và phát triển mà còn là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai địa phương tổ chức các hoạt động thiết thực; chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế – xã hội; cùng nhau thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, đối ngoại Nhân dân và hướng đến hợp tác phát triển toàn diện các lĩnh vực…để tình cảm ngày càng bền chặt, cùng nhau vun đắp tương lai.

60 năm – một chặng đường, song hành cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoằng Hóa – Điện Bàn đã viết nên một bản anh hùng ca bất hủ, đã làm nên một chặng đường lịch sử nghĩa nặng tình sâu; xây nên một tượng đài bất tử của mối tình kết nghĩa thắm thiết bền lâu, son sắt, thủy chung giữa 02 địa phương mà không phải nơi nào cũng có được.

Với những tiềm năng, lợi thế của 02 địa phương, với truyền thống gắn bó, thủy chung, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ được hun đúc xây dựng trong 60 năm qua; với sự quan tâm, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoằng Hóa – Điện Bàn, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng: mối quan hệ tình cảm giữa huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa và thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.